Rao Giảng và Thần Học

Cầu nguyện Phấn hưng cho Hội thánh của ai đó

Đề Mục
07.19.2023

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dành nhiều năm trung tín và dốc lòng cầu nguyện cho sự phấn hưng xảy ra ở trên cộng đồng của mình, rồi một ngày nọ Đức Chúa Trời bất ngờ đáp lời cầu nguyện của chúng ta?

Trong cả thành phố, mỗi ngày người ta bắt đầu nhóm lại thật đông trong nhà thờ để lắng nghe Phúc Âm từ Lời của Đức Chúa Trời. Trên đường phố, tại nơi làm việc, trong lớp học và các gia đình khắp cả thị trấn, các tín hữu Hội thánh rụt rè trước đây trung tín rao giảng Phúc Âm và kết quả xảy ra thật nhanh. Nhiều đời sống được biến đổi, hôn nhân được cứu vãn, và hơn hết là lần lượt những người từng là thù địch với Đức Chúa Trời đang hạ vũ khí nổi loạn của mình xuống và đến ẩn náu trong sự vinh hiển và sự nhân từ của Ngài.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những chuyện này lan tỏa trong thành phố, ngay trước mặt chúng ta, trong Hội thánh của ai đó, chỉ cách vài dãy phố?

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết phải đáp lại như thế nào, nhưng lời khen và niềm vui dường như bị nghẹn lại trong cổ họng của chúng ta.

Chuyện này đã từng xảy ra rồi. Năm 1839, Robert Murray M’Cheyne biết rằng một sự phấn hưng lớn đã xảy ra khi có một diễn giả được mời đến giảng tại Hội thánh, trong khi ông đi truyền giáo kéo dài nhiều tháng. Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban phước cho sự phục vụ của người khác hơn là của chúng ta, thì có vài điều khá quan trọng về bản chất thực sự của tình yêu thương ở trong chúng ta bỗng trở nên rõ ràng cách lạ thường.

“Đi-ô-trép, người thích đứng đầu”

Tất nhiên, cuộc chiến giữa ghen tị và vui mừng không có gì mới. Sứ đồ Giăng viết về điều này trong thư tín thứ ba của ông (3 Giăng). Từ câu năm đến câu mười một, ông giới thiệu chúng ta hai người đàn ông là: Gai-út và Đi-ô-trép.

Gai-út thích tiếp đãi và hỗ trợ các giáo sĩ trung tín được sai phái từ nhiều Hội thánh khác vì ông yêu mến Chúa Jêsus (câu 5-8).

Đi-ô-trép, thì . . . không như vậy. Đi-ô-trép từ chối tiếp đãi những con gặt này đến từ nhiều Hội thánh khác nhau vì một lý do đơn giản: sứ đồ Giăng nói rõ với chúng ta rằng Đi-ô-trép “thích đứng đầu” (câu 9). Người này không có mong muốn nhìn thấy công tác Phúc Âm được tấn tới trừ khi do chính tay mình làm. Anh ta không lấy làm vui trước thành quả nào hết, trừ khi đó là thành quả của mình. Anh ta cũng không khoan nhượng trước bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Sứ đồ Giăng thẳng thừng chỉ ra hành động và thái độ của Đi-ô-trép đơn thuần là “điều dữ” (câu 11).

Điều dữ – đó là một từ mạnh mẽ. Thẳng thắn mà nói, điều làm tôi sợ nhất về Đi-ô-trép đó là chúng ta không được dạy về việc thiếu giáo lý chính thống để đánh giá cụm từ này. Ở đây không hề đề cập đến dị giáo hay những góc nhìn không phù hợp về Đấng Christ. Theo những gì chúng ta đã biết, thần học của Đi-ô-trép có vẻ đúng đắn về mặt lý thuyết. Nhưng thái độ tranh cạnh của ông đã cho thấy tình yêu dành cho Phúc Âm chỉ đơn thuần là tình yêu dành cho hội chúng của riêng mình, mục vụ của riêng mình – cuối cùng chỉ là yêu chính mình mà thôi. Chẳng khác gì kẻ ngoại đạo.

Điều không quá khó để nhận ra

Vì vậy, đây là điều không quá khó để nhận ra trong bài viết này: Đừng giống như Đi-ô-trép! Thay vào đó, hãy bắt chước điều lành, nghĩa là hãy có tấm lòng tôn cao Phúc Âm, không tranh cạnh của Gai-út.

Nhưng tại sao đây là một vấn đề lớn? Bởi vì không chỉ tấm lòng của chúng ta mà ngay cả giá trị của Phúc Âm ở trong mắt của thế gian cũng đang bị đe dọa.

Chúng ta có thể nói cả ngày về cách ngợi khen Đức Chúa Trời vì sự tấn tới của Phúc Âm trong Hội thánh – và chúng ta nên làm như thế ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, sẽ luôn có một chút dư vị của sự tư lợi còn sót lại; rốt cuộc thì đó vẫn là Hội thánh do chúng ta quản nhiệm.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự ngợi khen Đức Chúa Trời về sự tấn tới của Phúc Âm trong một Hội thánh khác, cho dù ở một quốc gia khác hoặc thậm chí trong cùng một thành phố? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bày tỏ cùng một niềm vui khi thấy công việc của Chúa Jêsus được thực hiện và mừng rỡ trước kết quả phục vụ của người khác? Nếu làm vậy, điều đó cho thấy chúng ta yêu mến Chúa Jêsus, Phúc Âm của Ngài và sự vinh hiển của Ngài – không chỉ hội chúng của chúng ta, câu lạc bộ của chúng ta, chức vụ của chúng ta, Hội thánh của chúng ta.

Đó là lý do vì sao chúng ta phải nuôi dưỡng một thái độ giống như Gai-út trong tấm lòng của mình và các tín hữu trong Hội thánh. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Jêsus và sự vinh hiển của Ngài sẽ không thể tỏa sáng hơn khi chúng ta vui mừng trước sự tấn tới của Phúc Âm, ngay cả khi chúng ta chỉ có ít cơ hội để được công nhận.

Làm thế nào để nuôi dưỡng thái độ giống như Gai-út

Làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng thái độ này trong Hội thánh của mình và trong chính tấm lòng của chúng ta? Sau đây là một vài cách.

Cầu nguyện và đọc Kinh Thánh

Thứ nhất, hãy cầu nguyện và đọc Kinh Thánh Hãy bắt đầu suy gẫm các phân đoạn như 3 Giăng để nhìn thấy sự vinh hiển độc đáo của “niềm vui không tư lợi” trong sự tấn tới của Phúc Âm. Hãy cầu nguyện rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta một tấm lòng yêu thích sự tấn tới của Phúc Âm, cho dù ở đâu hay do ai làm. Tại sao? Bởi vì chúng ta muốn thấy Chúa Jêsus được vinh hiển.

Làm gương và dạy dỗ

Thứ hai, làm gương và dạy dỗ. Hãy cho Hội thánh của mình thấy rõ điều này là thế nào bằng cách thường xuyên cầu thay cho các Hội thánh trung tín khác, theo tên của họ, một cách công khai từ bục giảng vào sáng Chúa Nhật. Hãy ngợi khen Chúa cách công khai vì sự thịnh vượng mà Ngài làm cho các Hội thánh khác đang rao giảng cùng một Phúc Âm, ngay cả khi họ ở trong thành phố của chúng ta. Hãy cầu thay cho Cơ Đốc Nhân và công tác vì Phúc Âm ở nhiều nơi khác trên thế giới. Hãy dạy cho mọi người biết nước Đức Chúa Trời lớn hơn nhiều, rất nhiều so với Hội thánh địa phương của chúng ta.

Hỗ trợ và chúc mừng

Thứ ba là hãy hỗ trợ và vui mừng. Giống như Gai-út trung tín, hãy làm mọi cách và tận dụng số tiền dùng cho Hội thánh của riêng mình mà cho đi. Hãy dâng số tiền đó để chúc phước cho các Hội thánh khác và để hỗ trợ những con gặt trung tín đã được sai đi vì cớ danh Ngài (3 Giăng 7). Một lần nữa, khi Hội thánh dâng hiến để chúc phước và hỗ trợ công việc vì Phúc Âm không thuộc về Hội thánh, thì đó là một loa phóng thanh thông báo rằng: “Chúng tôi yêu Chúa Jêsus và sự vinh hiển của Ngài, không chỉ hội chúng của riêng chúng ta và mục vụ riêng của chúng ta”.

Chắc chắn chúng ta vẫn phải giữ một ít tiền để chăm lo cho hội chúng của mình. Tôi hiểu mà. Nhưng chúng ta có thực sự cần tất cả số tiền Chúa ban cho mình hay không? Thật không? Chẳng phải viết một tờ chi phiếu tuyên bố rằng Hội thánh của chúng ta, nhờ ân điển của Chúa, được tự do khỏi ách nô lệ của sự tư lợi cá nhân là một sự giải phóng và làm sáng tỏ Phúc Âm rất tuyệt vời hay sao? Các Hội thánh thật không cạnh tranh với nhau về tiền bạc, hoặc số lượng tín hữu, hoặc sự vinh hiển. Sau cùng thì tất cả tiền bạc, con người và vinh quang đều thuộc về Đức Chúa Trời.

Mong rằng chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời vì sự tấn tới của Hội thánh – và phải thực sự làm y như vậy.

Đức Chúa Trời có một kế hoạch lớn cho cả thế giới của Ngài, và Chúa sẽ hoàn thành công việc của Ngài trong thế gian. Chúa sẽ cứu rỗi con cái của Ngài, gìn giữ họ trong đức tin và nuôi nấng họ trong sự thánh khiết.

Đôi khi Ngài có thể làm điều đó thông qua chúng ta. Đôi khi Chúa có thể làm điều đó thông qua Hội thánh ở cuối phố. Hy vọng rằng chúng ta có thể càng yêu quý sự vinh hiển của Đấng Christ nhiều hơn để nói rằng “ngợi khen Đức Chúa Trời” trong mọi hoàn cảnh và làm y như vậy.


Mục vụ Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ.