Rao Giảng và Thần Học

Phục hưng và chủ nghĩa phục hưng trong mục vụ giới trẻ

Đề Mục
07.19.2023

Dân sự của Đức Chúa Trời luôn đề cao việc lưu truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hội thánh và các bậc phụ huynh đã tin Chúa luôn được kêu gọi để môn đồ hóa thiếu nhi và thanh thiếu niên nhằm phát triển đức tin của chúng suốt cả cuộc đời. Vậy, chúng ta nên đáp ứng thế nào khi giới trẻ đang lớn lên mà không có niềm tin Cơ Đốc hoặc từ bỏ niềm tin sau khi ra trường?

Hãy tưởng tượng các diễn giả của một Hội thánh giảng giải Kinh cách trung tín và các trưởng lão đánh kính quan tâm đến tín hữu ở trong Hội thánh của họ. Nhưng giới trẻ của Hội thánh ấy lại từ bỏ niềm tin sau khi tốt nghiệp trung học. Phát triển Hội thánh lớn mà để mất thế hệ kế thừa thì ích lợi gì?

Đây không phải là một nan đề mới. Năm 1917, Frank Otis Erb đã suy gẫm về những nỗ lực của Hội thánh ngày nay trong việc chinh phục giới trẻ rằng: “Tinh thần dân chủ đã khơi mào cho cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa chuyên chế ở mọi nơi, kể cả tôn giáo và giới học thức cũng không là ngoại lệ. Các giáo lý quan trọng và có tính phán quyết của Hội thánh đã bị Voltaire và bạn bè của ông tấn công dữ dội, ít ra là vì các giáo lý ấy có tầm quan trọng và mang tính phán quyết cao, còn người nào đón nhận các giáo lý này thì bị lên án là thiếu hiểu biết, mê tín hoặc giả hình. Tự do tư tưởng không chỉ là đòi hỏi mà còn là quyền lợi nữa”.[1] Phân tích của ông về sự tranh chiến của Hội thánh trong việc lưu truyền đức tin cho thế hệ tiếp theo có vẻ đáng lo ngại giống như trong thời đại của chúng ta ngày nay. Sau đó, Erb tiếp tục phác họa các nỗ lực của Hội thánh trong việc tìm kiếm sự phục hưng cho giới trẻ trong thời của ông – tức là những dấu vết vẫn còn thấy rõ trong các mục vụ giới trẻ của thời nay.

Chủ nghĩa Phục hưng trong mục vụ giới trẻ

Điều quan trọng là phải công nhận và khuyến khích động cơ phát triển của các mục vụ này. Đã có sự lo ngại nghiêm trọng về thói thế tục và thờ ơ gia tăng đối với những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Vậy, các mục vụ như Hội Truyền giáo Giới trẻ Cơ Đốc và Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA) đã cộng tác với Hội thánh để thúc đẩy đức tin Cơ Đốc của thế hệ kế thừa. Hơn 100 năm qua, các mục sư đã có một lo ngại vẫn còn hiện hữu giữa vòng nhân sự thanh niên ngày nay, đó là: môn đồ hóa Cơ Đốc nhân trưởng thành được đâm rễ từ thời thiếu niên của họ.

Một văn hóa đặc thù của giới trẻ bắt đầu hình thành từ sau Thế chiến 1. Điều này rốt cuộc cũng góp phần vào sự chia cách các thế hệ đã tạo ra nhiều lo ngại về các ảnh hưởng đối với giới trẻ từ bên ngoài. Hội thánh và các bậc phụ huynh không biết phải ứng phó thế nào khi các phương pháp “cổ truyền” của họ dường như không còn hiệu quả nữa. Giai đoạn đầu của mục vụ giới trẻ hiện đại được mở ra nhờ có các mục vụ như Nhịp Sống Trẻ và Thanh niên cho Đấng Christ, là các đơn vị đã tự đặt mình vào chỗ sứt mẻ mà Hội thánh không làm được. Các thanh thiếu niên lêu lổng không hề nghĩ đến chuyện đi nhà thờ, đặc biệt là khi Hội thánh chẳng thèm quan tâm đến chúng. Thay vào đó, chúng gặp gỡ các thanh thiếu niên khác theo sở thích riêng. Mô hình Nhịp Sống Trẻ cuối cùng đã được các nhân sự mảng giới trẻ trong Hội thánh thông qua, và đại hội Thanh niên cho Đấng Christ đã cung ứng nền tảng cho các sự kiện truyền giáo mà đến nay vẫn còn diễn ra.

Còn nhiều điều để nói về sự phát triển của mục vụ giới trẻ, nhưng đây là điểm chính: sự chuyển đổi từ mục vụ dạy dỗ nhỏ sang mục vụ có khuynh hướng truyền giáo lớn hơn đang phản ánh sự khác biệt giữa phục hưng và chủ nghĩa phục hưng. Sự khác biệt ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tôi ngần ngại khi vơ đũa cả nắm, nhưng nhìn chung thì đúng là: các mục vụ thanh niên ưu tiên công tác truyền giáo mà không kết nối với Hội thánh địa phương sẽ mang khuynh hướng của chủ nghĩa phục hưng, trong khi các mục vụ nhấn mạnh môn đồ hóa và tìm cách hỗ trợ Hội thánh địa phương sẽ có khả năng tiếp cận hiệu quả hơn.

Tầm ảnh hưởng từ “các biện pháp mới” của Finney vẫn còn thấy trong mục vụ giới trẻ khắp cả nước khi họ tìm kiếm sự phục hưng cho thế hệ Z. Các đại hội truyền giáo và chương trình nghỉ dưỡng biệt lập thường công bố một Phúc Âm được đo lường bằng những cánh tay giơ lên trong nước mắt của thanh thiếu niên nhiều hơn là thừa nhận tội lỗi và sự ăn năn thật.

Sự phục hưng trong mục vụ giới trẻ

Một lần nữa, động cơ (phần lớn) của các nhà phục hưng là đáng khen: họ muốn giới trẻ gặp gỡ Chúa Jêsus. Nhưng nền tảng thần học của chủ nghĩa phục hưng lại được tạo dựng từ đất sét và không hề mang lại sự cứu rỗi. Sự phục hưng thật và bền vững không được xây dựng trên nền tảng có quá nhiều sự phô trương. Không bao giờ. Lưu truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác vừa đơn giản vừa khó khăn hơn so với mấy lời tiên tri từ các nhà phục hưng.

Vậy thì chúng ta nên làm gì? Hãy dạy thanh thiếu niên biết đọc và hiểu Kinh Thánh. Hãy dạy họ cầu nguyện. Hãy áp dụng Phúc Âm vào đời sống của họ – đầu, tim và tay. Giúp họ thấy Phúc Âm không chỉ dành cho công tác truyền giáo, mà còn cho cả đời sống Cơ đốc. Hãy đồng công với các bậc phụ huynh để trang bị cho họ biết cách nhận ra vai trò làm cha mẹ và đời sống gia đình phải có yếu tố môn đồ hóa. Hãy tạo điều kiện cho sinh viên dự phần vào sinh hoạt của Hội thánh để họ biết mình thực sự thuộc về Hội thánh. Cuối cùng, hãy làm gương trong việc ăn năn khi chúng ta phạm tội đối với các em.

Những điều kể trên chẳng có gì cuốn hút hay ấn tượng cả. Những chiến lược này sẽ không lan tràn mạnh ở trên mạng xã hội, hoặc là giúp chúng ta được mời chia sẻ trên sân khấu của các kỳ hội nghị đâu. Thực tế thì sự cam kết của bản thân với những ưu tiên này có thể không làm cho ban thanh niên của chúng ta trở thành ban thanh niên lớn nhất trong thành phố. Nhưng chúng ta có biết điều này sẽ mang lại ích lợi cho sinh viên của chúng ta thật lâu dài chăng?


[1] Frank Otis Erb, Sự phát triển của phong trào thanh niên (Chicago, IL: Nhà in Đại học Chicago, 1917), 1.


Mục vụ Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ.