Rao Giảng và Thần Học
Gợi ý thực tiễn cho việc giảng dạy các sách dài
Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô-ký, Ê-sai . . .
Một mục sư gần đây hỏi tôi đang giảng gì. Sau khi tôi nói với anh ta là đang giảng toàn bộ sách Ê-sai, thì anh ấy cười. “Chà! Chúc mừng nha! Tôi không bao giờ làm được như thế”.
Tôi nghĩ anh ta không phải là người duy nhất. Giảng luận các sách dài trong Kinh Thánh dường như là một nhiệm vụ bất khả thi đối với các mục sư bận rộn. Nhưng trái với phản ứng của anh ấy là ngụ ý này: cam kết giảng luận các sách dài nhất trong Kinh Thánh không chỉ dành cho các mục sư nhà nghề, nếu góc nhìn buồn cười đầy ảo tưởng này là có thật. Thay vào đó, điều này đến từ một niềm tin đơn sơ mà mỗi vị mục sư nên có chung suy nghĩ rằng: Giảng giải Kinh cách trung tín nhắm đến việc công bố toàn bộ ý định của Đức Chúa Trời (Công-vụ 20:27), bao gồm cả việc rao giảng các sách dài nhất trong Kinh Thánh.
Để đạt được mục đích này, tôi hy vọng tám “gợi ý” sau đây sẽ giúp các nhà truyền đạo thích nghiên cứu Kinh Thánh khi chuẩn bị cho phần giảng luận – và hãy kiên trì! – qua các sách lớn nhất trong Kinh Thánh.
1. Trước khi bắt đầu, hãy đọc đi đọc lại và đọc đi đọc lại cả sách
Trước khi giảng luận một sách dài trong Kinh Thánh, hãy đọc đi đọc lại cả sách. Những sách dài nhất trong Kinh Thánh mất từ hai đến ba giờ để đọc từ đầu đến cuối. Chúng ta có thể tránh gây áp lực cho bản thân bằng cách bắt đầu trước vài tháng và giới hạn thời gian đọc một lần mỗi tuần.
Khi đọc, hãy chú ý tấm lòng của chúng ta. Mục sư Spurgeon cảnh báo rằng: “Nếu chúng ta không thể tra xét tấm lòng và khoan sâu lẽ thật vào tâm hồn mình, thì chúng ta không biết cách dạy người khác đâu”. Đồng thời, hãy chú ý đến các tài liệu tham khảo có sự rõ ràng về các phần khác trong Kinh Thánh, con người và địa điểm có sự tác động, các từ và cụm từ lặp đi lặp lại, các đề tài về giáo lý, những manh mối liên quan đến các bối cảnh của độc giả đầu tiên, các đặc điểm riêng về văn chương và các phần chuyển tiếp ở giữa các phân đoạn chính. Khi chúng ta hoàn thành phần đọc sơ bộ rồi, hãy cố gắng tóm tắt thông điệp chính của sách (“ý lớn” hoặc “giọng điệu”) thành một câu duy nhất.
Có nhiều thách thức liên quan đến việc giảng luận các sách dài nhất trong Kinh Thánh được giảm bớt bằng cách đọc đi đọc lại Kinh Thánh trước khi viết xuống bài giảng đầu tiên.
2. Lập dàn ý của sách
Nếu giảng giải Kinh nhắm đến việc làm cho bố cục và trọng tâm của một phân đoạn trở thành bố cục và trọng tậm trong một sứ điệp, thì “dàn ý giảng giải Kinh” cũng nhằm vào mục tiêu tương tự: làm cho bố cục và vấn đề của cả sách trở thành bố cục và vấn đề trong dàn ý.
Vài tuần trước khi chia sẻ bài giảng đầu tiên, hãy xác định các phần chính của sách. Chúng ta cũng nên tóm tắt từng phân đoạn chính bằng một tuyên bố trừu tượng thật ngắn gọn được rút ra từ “ý lớn” (xem ở trên). Điều này sẽ giúp chúng ta tổng hợp được tư tưởng của sách và củng cố thêm khả năng định vị mối liên hệ của bất kỳ đoạn văn nào với mục đích chung của trước giả.
Tiếp theo, hãy phác thảo những đoạn nhỏ trong từng phân đoạn chính, từ tổng quát sang cụ thể. Hãy chống lại cảm giác muốn đi đường tắt bằng các tài liệu ngoại Kinh. Sự giảng luận của chúng ta sẽ mang lại ích lới cho bản thân và hội chúng nhiều nhất khi sự hiểu biết của chúng ta về bố cục và vấn đề trong sách là kết quả từ việc tự nghiên cứu Lời Chúa. Sau khi hoàn thành, chúng ta có thể mài giũa tác phẩm của mình bằng cách so sánh với những dàn ý từ các nhà truyền đạo, các nhà chú giải, hoặc những cẩm nang về giải Kinh.
Cuối cùng, đừng quá yên tâm với dàn ý sơ bộ của chúng ta. Đặc biệt là các truyền đạo trẻ tuổi cần giết chết tính tự kiêu của chủ nghĩa hoàn hảo. Hãy nghĩ rằng dàn ý của chúng ta là một tác phẩm “dang dở”, vì biết rằng nó sẽ thay đổi (thường xuyên) do có sự nghiên cứu bổ sung trong quá trình chia sẻ một loạt bài.
3. Hãy thành thật về bản thân và hội chúng của chúng ta
Trước khi chúng ta chuyển từ phần lập dàn ý sang lập kế hoạch giảng luận, hãy dành thời gian đánh giá bản thân và hội chúng của mình một cách trung thực.
Nói cách khác, hãy đánh giá khả năng của chúng ta với những trách nhiệm khác. Theo kinh nghiệm của tôi, chia sẻ các sách lớn trong Kinh Thánh đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và kỹ năng nhiều hơn là chia sẻ các sách nhỏ. Cũng vậy, vài mục sư có kỹ năng tổng hợp các sách lớn của Kinh Thánh trong một bài giảng tốt hơn nhiều người khác. Nếu chúng ta không phải là một trong số những người đó, thì chẳng sao cả! Hãy khiêm tốn và trung tín với các sách nhỏ hơn, ngay cả khi như vậy có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian giảng luận cả sách hơn.
John Flavel lưu ý rằng: “Một mục sư khôn ngoan sẽ lo nghĩ cho linh hồn của hội chúng hơn là nghiên cứu các sách hay nhất trong thư viện của mình, người đó sẽ không chọn điều dễ dàng nhất cho bản thân, mà sẽ chọn điều cần thiết nhất cho hội chúng”. Sự trưởng thành thuộc linh của hội chúng đang như thế nào? Chúng ta đánh giá mức độ đọc Kinh Thánh của họ ra sao? Hầu hết các tín hữu có mặt khi chúng ta bắt đầu giảng giải Kinh còn trụ lại đến cuối cùng chăng, hay là tín hữu của chúng ta sớm bỏ về? Chúng ta đang có những mục tiêu dài hạn như thế nào để dạy dỗ Hội thánh của mình?
Chúng ta trả lời những câu hỏi này và câu hỏi kia sẽ giúp xác định thời lượng thích hợp để chia sẻ với hội chúng một sách dài.
4. Lập kế hoạch giảng luận
Dựa trên những gì chúng ta đã biết về bản thân và Hội thánh, hãy lập ra một kế hoạch giảng luận từ dàn ý của mình. Hãy lập kế hoạch cho tất cả bài giảng một lần nếu chúng ta chia sẻ các sách dài trong Kinh Thánh và nhanh chóng đi nhanh cả sách. Nếu chúng ta quyết định giảng luận các phân đoạn ngắn hơn và dành nhiều thời gian hơn với quyển sách, thì chúng ta có thể lần lượt lập kế hoạch giảng luận từng phân đoạn một cách chiến lược hơn. Nghỉ ngơi chiến lược sau nhiều tuần giảng luận liên tục sẽ giúp chúng ta phục hồi lại để lập kế hoạch chia sẻ các đoạn quan trọng tiếp theo ở trong sách và thực hiện những thay đổi khả thi về cách tiếp cận của chúng ta. Bạn hoặc một mục sư khác cũng có thể dùng khoảng thời gian nghỉ ngơi này để giảng luận một sách ngắn nào đó không nằm cùng một Ước hoặc một vấn đề liên quan cần được giải quyết trước khi chúng ta có thể hoàn thành cả sách.
5. Bắt đầu và kết thúc bằng một bài giảng tổng quan.
Hãy thử chia sẻ bài giảng đầu tiên bằng một góc nhìn tổng quan cho cả sách (công sức đọc sách sơ bộ mới thấy được tác dụng ở chỗ này). Hãy tóm tắt những ý lớn của sách, họ đã làm chứng về Đức Chúa Jêsus Christ như thế nào (Giăng 5:39) và tại sao quyển sách này cần thiết cho Cơ Đốc nhân ngày nay. Hãy cho mọi người biết rằng: “Đây là kế hoạch của chúng ta, tại sao điều này lại quan trọng và chúng ta nên cầu xin Chúa làm gì trên Hội thánh thông qua quyển sách này”.
Tương tự, một bài giảng tổng quan kết luận rằng: “Hãy nhìn lại những gì đã qua, những điều chúng ta đã học, Đức Chúa Trời đã dạy Hội thánh điều gì qua sách này và chúng ta cần phải sống tin cậy và vâng lời Chúa như thế nào kể từ đây”. Từ đầu, chúng ta muốn cả hội chúng có sự mong đợi nào đó, rồi dần dần giúp họ suy gẫm và cảm tạ trong phần kết thúc.
6. Thường xuyên tóm tắt sách
Nhiều tín hữu của chúng ta sẽ không thường xuyên có mặt trong các ngày Chúa Nhật suốt cả loạt bài dài như vậy vì những trở ngại không hay nào đó như đau ốm hoặc đi xa hoặc có sự lơ là. Đừng lệ thuộc quá nhiều vào việc họ có kịp nghe lại những bài giảng đã thu âm hay không. Thay vì vậy, hãy dắt họ đi nhanh hơn bằng cách thường xuyên ôn lại những bài học trước và mới đây sau khi đọc phân đoạn Kinh Thánh của ngày hôm đó. Thường xuyên có phần tóm lược trong bài giảng cũng giúp định vị bản văn ở trong cơ cấu của sách nói riêng và trong Kinh Thánh nói chung. Trên thực tế, chúng ta vấn đáp hội chúng của mình và giúp gia tăng kiến thức Kinh Thánh của họ bằng cách lặp đi lặp lại phần tóm lược cả sách.
7. Đừng vội lặp lại
Nếu chúng ta giảng luận các sách dài hơn bằng cách chia các đoạn ra ngắn hơn, thì chắc chắn sẽ có những chủ đề lặp đi lặp lại khiến chúng ta cảm thấy như đang chia sẻ cùng một bài giảng mỗi tuần. Tôi nhớ cảm giác này xuất hiện khi đi được một nửa các lời tiên tri trong sách Ê-sai (13:27) Khi nhớ lại, thì nhiều tuần lặp đi lặp lại đó được cho là những bài giảng mở rộng có lợi nhất trong cả sách. Chúng ta là những tạo vật yếu đuối và mau quên. Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành đã cho phép có sự lặp đi lặp lại ở những chỗ mà Ngài biết chúng ta cần nhất. Hãy chống lại cảm giác phải đi nhanh qua những chỗ lặp này vì muốn có “sự tươi mới” hoặc sự mới lạ nào đó. Đôi khi chúng ta cần phải nghe đi nghe lại những lẽ thật đến hàng tá lần với hàng trăm cách khác nhau để ghi nhớ và thay đổi.
8. Hãy kiên nhẫn và kiên trì trong cả quá trình
Chúng ta sẽ cảm thấy ít e dè hơn khi giảng luận qua các sách dài nếu có một tầm nhìn dài hạn. Giảng luận cả sách Sáng thế ký hoặc sách Ê-sai có thể mất từ một đến hai năm, hoặc nhiều hơn. Nhưng vài năm thì có sao khi so với mấy chục năm sau này giảng luận trong một Hội thánh? Dù chúng ta quyết định thế nào, thì mở rộng tầm nhìn cho chức vụ sẽ củng cố lòng cam kết của chúng ta trong việc nuôi nấng bầy chiên của Đức Chúa Trời từ mọi phân đoạn trong Lời Chúa, chứ không chỉ từ các đoạn ngắn hơn, dễ hơn và quen thuộc lâu nay.
Một khải tượng lâu dài cũng bảo vệ chúng ta chống lại sự phân tâm. Đưa ra những mâu thuẫn và các cuộc chiến văn hóa sẽ giúp chúng ta có được sự chú ý từ mọi người. Đừng cho phép chúng tạo ra những thói quen vội vàng và phản ứng thái quá từ bục giảng. Hãy giữ vững quan điểm. Những mâu thuẫn và cuộc chiến văn hóa như “cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!” (Ê-sai 40:8). Hãy tôi luyện bản thân bằng lời hứa này và kiên nhẫn rao giảng “bản văn tiếp theo”. Hãy kiên trì đi qua các sách dài trong nhiều năm, hãy nhờ cậy Chúa để vững lập Hội thánh của chúng ta bằng ân điển của Ngài, thời điểm của Ngài và vì sự vinh hiển của Ngài.
“Chính Ngài sẽ làm việc đó” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:24).
Mục vụ Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ.