Khả Năng Lãnh Đạo
Hãy dạy giáo lý lành
Bản mô tả công việc cho mục sư
Lưu ý: Bài viết này được trích từ quyển sách Kỷ luật bầy chiên: Hãy trung tín chăn bầy của Paul (Tạp chí chăn bầy, 2018).
Chức vụ của sứ đồ Phao-lô cung ứng một mô hình lý tưởng cho mục sư ngày nay, nhưng tôi sợ là nhiều Hội thánh ngày hôm nay không thấy điều đó.
Ông đã tìm kiếm sự trưởng thành thuộc linh ở người nào đã tin Chúa — tức là trở nên giống Đấng Christ. Vì mục tiêu nầy mà vị sứ đồ đã vận dụng lối giảng luận tôn cao Đấng Christ và dạy dỗ sự khôn ngoan theo Kinh Thánh, trong đó Đấng Christ được bày tỏ ra (Cô-lô-se 2:3). Vậy, chúng ta cũng phải làm theo chăng!
Đáng buồn thay, các Hội thánh Tin lành ngày nay không còn ưu tiên những điều nầy nữa. Thay vào đó là sự từ bỏ rất đáng chú ý về mặt thần học để hướng đến một liệu pháp nào đó.
Ưu tiên giáo lý lành
Theo Kinh Thánh, mục sư phải ưu tiên dạy dỗ giáo lý hầu cho hội chúng biết tư duy theo thần học. Chúa Jêsus truyền dạy chúng ta phải môn đồ hóa bằng cách “dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:20). Từ “dạy” ra từ didasko, nghĩa là “đưa ra lời hướng dẫn”. [1] Danh từ có nghĩa đơn giản là “giáo lý” [2] Sứ đồ Phao-lô cũng dặn các trưởng lão phải có tài coi sóc để chống lại muôn sói “nói lời hung ác” (Công-vụ 20:30). Họ phải trang bị cho các thánh đồ để gây dựng thân thể, nếu không tín hữu Hội thánh sẽ “day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê-phê-sô 4:14).
Vậy, dạy dỗ giáo lý là ưu tiên hàng đầu trong Hội thánh đầu tiên. Người tin Chúa đã được mô tả trong chương đầu tiên của sách Công-vụ Các sứ đồ là “những người ấy bền lòng giữ lời dạy” – tức là giáo lý (Công-vụ 2:42).
Cũng vậy, người Tê-sa-lô-ni-ca đã đáp ứng lại với Phúc âm bằng sự sốt sắng và đã áp dụng Lời Chúa trong đời sống của họ. Sứ đồ Phao-lô viết rằng: “Anh em cũng đã bắt chước tôi và bắt chước Chúa, lấy sự vui vẻ của Đức Thánh Linh mà tiếp nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn khó, đến nỗi anh em trở nên gương tốt cho hết thảy tín đồ ở xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6–7).
Ưu tiên liệu pháp
Tuy nhiên, các mục sư Tin lành ngày nay đang cho thấy họ không còn hứng thú dạy thần học nữa mà lại thích cung ứng các liệu pháp khác. Một học giả đã nghiên cứu các số định kỳ của tạp chí Cơ Đốc giáo Ngày nay trong ba mươi năm, cụ thể là mục “Người tín hữu và đức tin”, rồi đưa ra kết luận thế nầy:
Trong vòng ba thập kỷ [1959–1989], người tín hữu hình như đã chuyển từ việc có đức tin được củng cố bằng giáo lý, là trọng tâm bàn về lẽ thật, sang việc có đức tin được khuôn đúc bằng liệu pháp trị liệu, là trọng tâm bàn về tâm lý. Lẽ thật của Cơ Đốc giáo đã từng là mục tiêu tối hậu nay chỉ đơn thuần là phương tiện để chữa lành cho một cá nhân nào đó. Vậy là lẽ thật Kinh Thánh đã bị lu mờ bởi cái tôi, còn sự thánh khiết bị lu mờ bởi sự lành lặn toàn vẹn sao! [3]
Sự thay đổi nầy đã tác động mạnh tới đời sống của con dân Đức Chúa Trời và gia đình của họ. Hễ khi nào nền tảng kiên cố của Lời Chúa bị thay thế thì người tin Chúa sẽ bị quét sạch ra biển. Nhà thần học David Wells còn lưu ý điều nầy cách đây ba mươi năm trước rằng:
Tôi đã theo dõi mà cũng không tin nỗi việc Hội thánh Tin lành vui mừng hết sức trước tình trạng mù thần học. Rất nhiều người lao mình vào đó dường như tưởng rằng họ đang trên đường dẫn tới thành công, nhưng hậu quả của sự thay đổi rất lớn nầy ở trong giới Tin lành là bằng chứng cho các lớp thần học sắp mở ra, trong các tác phẩm sẽ được phát hành, trong các Hội thánh lớn, và trong đời sống của hầu hết các mục sư của họ. Sự thay đổi nầy rất lớn và bao quát đến nỗi người nào bất đồng quan điểm trước những gì đang diễn ra liền bị gạt bỏ với lý do những cá nhân nầy không theo kịp, họ là những người muốn suy xét những điều không hợp lý, họ là những người không trung thành và bất luận thế nào thì họ là những người không thích hợp. [4]
Trong quyển sách của ông, Wells đưa ra những thí dụ về sự thay đổi từ việc Cơ Đốc giáo có đức tin được củng cố bằng giáo lý trở thành Cơ Đốc giáo được xây dựng bằng trải nghiệm cá nhân.
Giáo lý lành bảo vệ, gây dựng, nuôi dưỡng và tẩy sạch
Khi sự thoải mái của một người được ưu tiên hơn việc được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời thông qua đời sống làm theo giáo lý lành, thì sự dạy dỗ giáo lý hệ thống theo Kinh Thánh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là điều không thể miễn trừ trong quá trình môn đồ hóa bởi vì giáo lý bảo vệ, gây dựng và nuôi dưỡng người tin Chúa (1 Ti-mô-thê 4:6; 1 Phi-e-rơ 2:2).
Os Guinness nhắc chúng ta nhớ rằng “giáo lý lành” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “vệ sinh” và “bảo vệ sức khoẻ”. [5] No làm sạch tâm trí và nuôi nấng thân thể.
Ngược lại, giáo lý tồi làm suy yếu đức tin và hủy hoại người tin Chúa. Những ai đang chăn dắt Hội thánh phải theo đó mà phân biện, đừng để học thuyết đề cao loài người và Cơ Đốc giáo tự cứu mình tràn lan trong Hội thánh, khiến đôi mắt của người tin Chúa không còn thấy Đấng Christ nữa mà chỉ thấy cái tôi mà thôi (xem Công-vụ 20:28-32).
Giáo lý tồi giống như bị hoại tử
Giáo lý tồi giống như thuốc độc xâm nhập vào huyết quản và hủy phá thân thể. Nó giết Hội thánh từ trong ra ngoài, cho dù giáo lý được giảng ra đằng sau bục giảng hoặc chia sẻ tài tình trong phòng tâm vấn. Các sứ đồ đã cảnh báo về “tà giáo nguy hại” (2 Phi-e-rơ 2:1–3) sẽ làm cho người tin Chúa nào không biết phân biện bị “gài bẫy . . . bằng triết học và lời giả dối rỗng tuếch” (Cô-lô-se 2:8). Do đó, các lãnh đạo Hội thánh phải dạy dỗ tín hữu “không được dạy một giáo lý nào khác” (1 Ti-mô-thê 1:3) vì “lời của họ như chứng hoại thư lây lan” (2 Ti-mô-thê 2:15–18).
Chứng hoại thư là căn bệnh chết người. Nó lan khắp các mô thần kinh, nó làm chết nhiều chỗ trên cơ thể đến nỗi cần phải cắt cụt đi. Bệnh phát tán khi bị thiếu máu và dẫn tới việc thiếu hụt ô-xy ở nhiều chỗ trên cơ thể khiến các mô thần kinh chết đi. Một khi các mô thần kinh đã chết, chúng trở nên tê liệt và da chuyển thành màu đen, chỉ còn một cách cứu chữa mà thôi – đó là cắt bỏ các mô thần kinh đã chết, những chỗ đã bị nhiễm trùng, thiếu ô-xy, để triệt tiêu vi khuẩn chỉ sống được trong các mô thần kinh không có ô-xy.
Hãy thử hình dung căn bệnh nầy là vấn đề thần học trong thân thể của Đấng Christ là Hội thánh mà xem. Giáo lý lành của Kinh Thánh, giống như khí ô-xy, là thành phần cần thiết để duy trì sự sống thuộc linh. Khi thiếu hụt giáo lý lành, các học thuyết giả dối giống như thuốc độc lan ra bên dưới da cho đến khi những chỗ bị nhiễm trùng trên cở thể chết đi. Một khi những chỗ đó chết đi, chúng bị tê liệt cho đến mức trở thành mối đe dọa. Để trừ bỏ giáo lý tồi ra khỏi Hội thánh, chúng ta cần phải cắt bỏ những điều nầy, sau đó là tiêu thụ thật nhiều giáo lý lành để trừ bỏ sự sai trật ra khỏi cơ thể.
Hãy dạy giáo lý lành
Các mục sư của Hội thánh phải làm sao để công tác phổ biến giáo lý trở thành một phần không thể thiếu ở trong chức vụ giảng dạy của họ, sứ đồ Phao-lô nói rằng: “hãy dạy điều hiệp với đạo lành” (Tít 2:1).
Ông còn cho biết một yêu cầu cơ bản dành cho trưởng lão đó là khả năng “Hãy khuyên những tôi tớ phải vâng phục chủ mình, phải làm đẹp lòng chủ trong mọi việc, chớ cãi trả” (Tít 1:9).
Người tin Chúa được đâm rễ ở trong Lời Chúa và được dạy phải tư duy mọi thứ trong đời làm sao để tôn cao Đức Chúa Trời, có góc nhìn Thánh Kinh, tâm trí được đổi mới và đức tin của họ được nuôi dưỡng (Rô-ma 12:1–2; 1 Ti-mô-thê 4:6). Lời dẫn giải của Gary Johnson thật là đúng ở điểm nầy:
Một Cơ Đốc giáo lành mạnh không thể tồn tại mà không có thần học, cho nên thần học rất quan trọng cho ngày nay, đặc biệt là trong văn hóa dốt nát và vô lý của chúng ta. Thần học cũng rất quan trọng đối với người Tin lành nào đã nhận mình được cứu ở trong Đức Chúa Jêsus Christ. Nhưng thách thức hiện tại đối với thẩm quyền của Phúc âm theo Kinh Thánh thường đến từ bên trong các Hội thánh, từ những người không còn quan tâm đến thần học một cách nghiệm túc nữa. [6]
Nếu chúng ta thực sự muốn trở thành người chăn bầy theo Kinh Thánh, chúng ta phải nghiêm túc về giáo lý, bởi vì sức khỏe và sự tăng trưởng thuộc linh trong đời sống môn đồ của chúng ta tùy thuộc vào điều đó.
Ghi chú
[1] W. E. Vine, Merrill Unger và William White, Từ điển Giảng Kinh hoàn chỉnh của Vine và Từ vựng Tân Ước (Nashville, TN: Thomas Nelson, 1985), trang 619.
[3] David F. Wells, Không còn chỗ cho chân lý hoặc Thần học Tin lành bị gì thế? (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1993), trang 209–210.
[5] Os Guiness, “Người cuối cùng của nước Mỹ và Cách chữa bệnh tuyệt vời của họ” trong Tạp chí Tâm vấn theo Kinh Thánh, 15/2 (1997), trang 23.
[6] Gary Johnson, “Thần học còn quan trọng chăng?” trong John Armstrong, (hiệu đính), Khủng hoảng Tin lành sắp tới (Chicago: Moody Press, 1996), trang 57.
Mục vụ Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ.