Khả Năng Lãnh Đạo

Muốn làm mục sư? Hãy làm gương

Đề Mục
07.19.2023

Lưu ý: Đây là một đoạn trích từ quyển sách Con đường trở thành mục sư mới xuất bản gần đây của Bobby.

Không dùng quyền uy cai trị những người được giao cho mình, nhưng làm gương tốt cho cả bầy —1 Phi-e-rơ 5:3

Từ ngày chúng ta bắt đầu phục vụ với tư cách là một mục sư là ngày mọi người bắt đầu dõi theo chúng ta. Tín hữu Hội thánh của chúng ta sẽ tìm mặt bạn để dò tín hiệu, đặc biệt là khi có chuyện kỳ quặc xảy ra. Họ sẽ để ý chỗ chúng ta ngồi và đối tượng chúng ta ngồi cùng. Họ sẽ bàn luận với nhau khi chúng ta mới cắt tóc hoặc mang giày mới. Nếu áo của chúng ta lộn xộn trong giờ nhóm, họ sẽ phát hiện trước cả chúng ta. Trở thành mục sư là bị theo dõi đó.

Mọi người tìm kiếm điều gì? Điều nầy tùy thuộc vào đối tượng và trường hợp. Nhiều người trong số đó — và tất cả nên — tìm kiếm một tấm gương. Động cơ bắt chước tấm gương của mục sư có thể không lành mạnh, đặt biệt là khi mục sư vượt quá giới hạn và lạm dụng quyền hạn của mình bằng cách đổi ý thích thành luật pháp. Động cơ bắt chước tấm gương của mục sư có thể hơi buồn cười, khi tín hữu Hội thánh của mục sư, đặc biệt là những thanh niên ngưỡng mộ mục sư, bắt đầu mặc đồ và nói chuyện như mục sư. Không sở thích nào của mục sư được phép cai trị đời sống của người khác. Còn lời nói và kiểu cách ăn mặc của một người thường là vấn đề nhỏ. Nhưng tấm gương đạo đức của mục sư mới nói lên nhiều điều.

Một trong những lời biện hộ của văn hóa Tây phương khi từ chối thực trạng nầy đó là cho rằng việc bắt chước tấm gương của người khác là tự cho mình một giới hạn, sự khó thở và áp lực. Nhưng không bắt chước là vừa bị mù vừa dại dột. Bắt chước là điều không thể tránh khỏi. Ai cũng có sự bắt chước. Chúng ta làm vì bạn bè làm. Chúng ta làm vì thần tượng của mình làm. Jason Hood quan sát thấy rằng: “Vài người trong chúng ta thử ăn sushi, lướt mạng xã hội hay làm tóc, trừ khi chúng ta nhìn thấy một người mẫu bằng xương bằng thịt. Loài người không học nói, đọc, viết, thắt dây giày hay đi làm mà không cần sự bắt chước gì cả”. [1]

Sự bắt chước có lợi thế của nó. Để biết cách sửa lỗ hỏng, chúng ta có chịu đọc một quyển cẩm nang dài năm-mươi trang hay bắt chước một thợ sửa ống nước giàu kinh nghiệm? Một câu trích dẫn từ Seneca nói rằng: sự giáo huấn thì dài dòng, nhưng bắt chước làm theo thì ngắn ngủi và hữu ích.[2]

Chúng ta nên bắt chước tấm gương của ai đây? Ai sẽ làm theo tấm gương của chúng ta?

Bắt chước người khác không chỉ là vấn đề về thói quen và sự khôn ngoan thường thứcl; nó được đóng gói ở trong Cơ Đốc giáo lâu nay. Công tác môn đồ hóa Cơ Đốc nhân vừa có sự giáo huấn vừa có sự bắt chước. Khi Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ trong đêm trước khi Ngài chịu chết rằng: “Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.” (Giăng 13:14–15).

Tình yêu thương của Chúa Jêsus không chỉ là động cơ và phương tiện mà còn là thước đo cho tình yêu thương của chúng ta dành cho nhau: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13:34; đối chiếu 15:12). Còn sứ đồ Phi-e-rơ nói với chúng ta là ngay cả sự chết của Chúa Jêsus, là sự cứu rỗi không thể lặp lại lần thứ hai, cũng là tấm gương cho chúng ta: “Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời. Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phi-e-rơ 2:20–21; đối chiếu Phil. 2:5–11Ê-phê-sô 5:22528).

Chúng ta không chỉ nên noi theo tấm gương của Chúa Jêsus mà còn bắt chước những người tin Chúa khác nữa. “Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi” (Phi-líp 3:17). Còn sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta không chỉ bắt chước ông mà cũng hay bắt chước người nào đang theo Chúa nữa. Làm như vậy có đề cao con người quá không? Không hề: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (1 Cô-rinh-tô 11:1). Những tấm gương sống tin kính sẽ không để người khác bắt chước mình mà không chỉ họ đến với Đấng Christ. Khi chúng ta thấy một tấm gương sống tin kính, đừng chỉ nhìn chăm vào cuộc đời họ – mà hãy nhìn qua cuộc đời họ.

Kinh Thánh kêu gọi các mục sư phải lãnh đạo bằng cách làm gương, còn tín hữu phải bắt chước tấm gương của họ. Khi sứ đồ Phi-e-rơ khuyên giục rằng: “Tôi gởi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ, và cũng có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra: hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy” (1 Phi-e-rơ 5:1–3). Còn trước giả Hê-bơ-rơ viết cho cả hội chúng rằng: “Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ” (Hê-bơ-rơ 13:7).

Nếu chúng ta muốn làm mục sư, hãy bắt đầu làm gương. Hãy sống làm sao để người khác phải noi theo. Hãy sống làm sao để người khác thấy an toàn và ích lợi mà bắt chước theo. Tôi mong rằng chúng ta đang lọc kỹ những quyết định và thói quen của mình qua những gì Đức Chúa Trời phán là tốt lành. “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8). Đến lúc thêm một bộ lọc thứ hai nữa: Điều nầy có làm gương tốt không? Tôi có thể gợi ý việc làm nầy cho người khác không? “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em” (Phi-líp 4:9). Đức Chúa Trời bình an có ở cùng người khác nếu họ noi theo những gì chúng ta đang làm chăng? Những tín hữu khác trong Hội thánh sẽ càng sống tin kính nếu họ làm theo những gì chúng ta đang làm chăng?

Nếu mọi người trong Hội thánh đã bắt chước học Kinh Thánh giống như chúng ta làm, họ có biết Chúa và vâng lời Ngài hơn không? Nếu mọi người trong Hội thánh đã cầu nguyện giống như chúng ta làm, thì đời sống cầu nguyện của họ phong phú hơn hay nghèo nàn hơn? Sống làm gương không giới hạn ở những vấn đề thuộc linh. Chúng ta làm gương ngay cả những gì mình đang xem và bấm. Nó bao gồm cả việc chúng ta dâng hiến và sử dụng tiền bạc của mình. Nó bao gồm cả việc chúng ta đang làm gì để thư giãn và đổi gió. Nó bao gồm từng lời nói ra từ miệng của chúng ta. Nó bao gồm cách chúng ta đối xử với người nào mình đã gặp.

Dĩ nhiên, lương tâm của Cơ Đốc nhân có thước đo khác nhau.[3] Sống làm gương không có nghĩa là không bao giờ làm những gì Cơ Đốc nhân toàn cầu không đồng ý. Nhưng lại có nghĩa là chúng ta phải cẩn thận nhiều hơn. Chúng ta cần phải quan tâm đến sự thánh khiết của người khác hơn là tự do làm theo ý mình. Chúng ta phải luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi: “Bạn đang làm gì vậy?” Nếu chúng ta cần phải đưa ra quyết định quan trọng, trong khi có một lựa chọn sẽ khiến chúng ta rơi vào chỗ phải suy xét về mặt đạo đức, thì sống làm gương có nghĩa là đưa ra lựa chọn an toàn.

Trở thành mục sư có nghĩa là phơi bày đời sống của mình một cách công khai. Ngay cả khi chúng ta đang làm việc hay nghỉ ngơi. Nếu chúng ta muốn làm mục sư, hãy sẵn sàng bị theo dõi và bắt đầu sống làm gương để được dõi theo.

GHI CHÚ:

[1] Jason B. Hood, Bắt chước Đức Chúa Trời trong Đấng Christ: Bắt lấy mô hình của Thánh Kinh (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 2013), trang 190. Tác phẩm của Hood là một nghiên cứu thần học về vấn đề noi gương ở trong Kinh Thánh rất phong phú và khôn ngoan. Đặc biệt là hãy xem chương 12 nói về Hội thánh là một cộng đồng sống noi gương nhau.

[2] Xem Seneca, Ad Lucilium 6.4, trong Seneca IV: Ad Lucilium Epistulae Morales I; Books I–LXV, được dịch bởi R. M. Gummere, Loeb Classical Library (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1917), trang 27, 29: “Trước hết, chúng ta phải thấy cảnh hành động bởi vì con người đặt đức tin nơi cặp mắt nhiều hơn là lỗ tai của họ, và thứ hai là bởi vì chặng đường sẽ dài hơn nếu làm theo sự giáo huấn, nhưng ngắn ngủi và hữu ích hơn nếu làm theo những tấm gương. Cleanthes không thể bày tỏ hình ảnh của Zeno nếu chỉ nghe ông ta giảng bài mà thôi; anh ta đã sống cùng với ông ấy, nhìn thấy những ý định giấu kính của ông ấy và theo dõi xem ông ta có sống đúng với những nguyên tắc của mình chăng”.

[3] Xem tác phẩm giải kinh rất sâu sắc về vai trò mục sư của Andrew David Naselli và J. D. Crowley là Lương tâm: Nó là gì, Rèn luyện nó thế nào và yêu mến người nào có lương tâm khác biệt (Wheaton, IL: Crossway, 2016).


Mục vụ Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ.